Xu hướng mới trong hợp tác kinh tế Việt Nam – Nhật Bản
Các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư vào thị trường Nhật Bản, mở chi nhánh, công ty con và văn phòng đại diện đang là xu hướng mới trong hợp tác kinh tế Việt Nam – Nhật Bản.
Trong bối cảnh đó, Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) phối hợp với Cục Đầu tư Nước ngoài (FIA) của Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tổ chức Hội thảo “Xúc tiến đầu tư, mở rộng kinh doanh với thị trường Nhật Bản” nhằm giới thiệu cách tiếp cận thị trường Nhật Bản cũng như ưu điểm, lợi thế khi đầu tư, mở rộng kinh doanh tại đây.
Tự tin vươn tới thị trường tầm cao
Mặc dù số lượng dự án đầu tư của doanh nghiệp (DN) Việt sang Nhật chưa nhiều, quy mô đầu tư còn nhỏ, nhưng các dự án hoạt động hiệu quả, nhất là lĩnh vực công nghệ thông tin, sản xuất phần mềm… đem lại giá trị gia tăng cao và góp phần nâng cao năng lực cho các kỹ sư, cử nhân công nghệ thông tin của Việt Nam.
Những Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới đang mở ra cánh cửa lớn cho DN Việt. Giờ đây họ không chỉ có thể tiếp cận những thị trường nhỏ, thấp hoặc ngang mình mà còn có đủ điều kiện và tự tin để vươn sang các thị trường phát triển hơn.
Theo ông Vũ Văn Chung, Phó Cục trưởng Cục Đầu tư Nước ngoài, để định hướng đầu tư sang Nhật Bản, Việt Nam có khá nhiều thuận lợi.
Toàn cảnh hội thảo. (Ảnh: Quỳnh Hương/TGVN). |
Thứ nhất, DN phát triển mạnh về quy mô và số lượng trong những năm gần đây. Hiện Việt Nam có khoảng 450 nghìn DN, phấn đấu đạt khoảng một triệu DN vào năm 2020, do vậy nhu cầu mở rộng không gian đầu tư, kinh doanh của DN rất cao.
Thứ hai, Việt Nam có lượng nhân lực dồi dào, với khoảng 47 triệu người trong độ tuổi lao động, trong đó lao động qua đào tạo đạt 51%, đến năm 2020 dự kiến đạt khoảng 75%.
Thứ ba, lực lượng kỹ sư trẻ, cần cù, năng động, có trình độ, sáng tạo, sử dụng thành thạo ngoại ngữ ngày càng gia tăng.
Thứ tư, số cử nhân công nghệ thông tin ngày càng phát triển mạnh, chi phí lương cạnh tranh so với nhiều nước trong khu vực. Hiện nay, có trên 15.000 du học sinh Việt Nam sang học tập, nghiên cứu tại Nhật Bản.
Cách tiếp cận mới
Nói về sức hấp dẫn của thị trường Nhật Bản, ông Shigeki Maeda, Phó Chủ tịch JETRO, cho biết, tháng 12/2012, sau khi Thủ tướng Shinzo Abe đưa ra chính sách ABENOMICS nhấn mạnh việc gia tăng GDP, cơ hội cho DN, tạo việc làm thì đầu tư nước ngoài vào Nhật ngày càng gia tăng.
Các Lĩnh vực mà các doanh nghiệp Việt đầu tư sang nhật chủ yếu là thông tin-truyền thông, khoa học và công nghệ; bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, mô tô; du lịch; dịch vụ lưu trú, nhà hàng; cơ sở chế biến, chế tạo. |
Với quyết tâm cải thiện môi trường đầu tư, thu hút đầu tư bằng nhiều cách, Nhật Bản trở thành một thị trường dễ kinh doanh hơn. Nhà đầu tư sẽ cảm thấy thoải mái hơn và nhiều cơ hội hơn khi đến đây. Một số chế độ độc quyền đã dỡ bỏ dần, thị trường thuốc, dược phẩm, thiết bị y tế cũng mở hơn… Như vậy, khi DN Việt Nam đầu tư sang Nhật Bản không những sẽ được hưởng một môi trường, thị trường hấp dẫn, chuyên nghiệp mà có thể tăng cường năng lực kinh tế và năng lực cạnh tranh cho chính mình.
Giờ đây, với tư duy cởi mở về kinh tế, số lượng nhà đầu tư quốc tế, khách du lịch nước ngoài vào Nhật tăng lên rất nhiều, mở ra cơ hội kinh doanh, trở thành thị trường lớn, đa dạng đối với các DN.
Một ví dụ đời thường và điển hình được ông Shigeki Maeda đưa ra là hiện các cửa hàng sushi ở Nhật Bản cũng áp dụng big data (dữ liệu lớn) trong phục vụ để nâng cao chất lượng dịch vụ của mình. Đây là cơ hội để phát triển về công nghệ thông tin, đặc biệt là các dịch vụ mới và đang phát triển nóng hiện nay như IoT (Internet of Things – kết nối mọi thứ qua Internet) , điện toán đám mây hay big data, … là lĩnh vực mà DN Việt Nam có thế mạnh mà nhu cầu ở thị trường Nhật Bản cũng rất lớn.
Ông Shigeki Maeda kêu gọi DN Việt Nam “Hãy mở chi nhánh ở Nhật Bản thay vì ở Việt Nam để đạt được những thành công mới”. Ông cũng nhấn mạnh, Nhật sẵn sàng tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các DN Việt Nam đầu tư làm ăn tại đây. Trung tâm hỗ trợ DN đầu tư Nhật Bản (IBSC) có dịch vụ tư vấn miễn phí cho các DN các bí quyết cần thiết để thành lập văn phòng đại diện tại Nhật về: tư vấn pháp luật, chi phí kinh doanh, cơ chế thị trường, tập quán thương mại, bảo đảm nhân lực, thông tin bất động sản. Trung tâm sẽ cho DN mượn văn phòng tạm thời trong 2 tháng tại 6 thành phố của Nhật Bản khi thực hiện các thủ tục thành lập văn phòng kinh doanh tại Nhật.
Khó nhưng nhiều cơ hội
Mặc dù thị trường Nhật Bản nổi tiếng khó tính nhưng một khi đã được chấp nhận, sản phẩm dịch vụ của nhà đầu tư tại thị trường này sẽ vững chắc đi lên. Đây là khẳng định của hầu hết các chuyên gia và doanh nghiệp có kinh nghiệm.
Ông Atsusuke Kawada, Trưởng đại diện Văn phòng JETRO Hà Nội lưu ý với các DN muốn mở rộng đầu tư sang Nhật cần cân nhắc những yếu tố về giá đồng Yen (hiện đang tăng), dân số già, nguồn lao động thiếu, chi phí nhân công cao… Vì vậy, việc tuyển dụng các kỹ sư, lao động Nhật rất khó, đặc biệt là kỹ sư công nghệ thông tin mức lương rất cao. DN Việt Nam nên đào tạo tiếng Nhật cho các kỹ sư trẻ của mình rồi chuyển sang Nhật làm việc.
Từ kinh nghiệm thực tế khi mở văn phòng đại diện của mình tại Nhật Bản, ông Nguyễn Ích Vinh, Giám đốc Công ty công nghệ thông tin Tinh Vân Outsourcing chia sẻ về cả thuận lợi và khó khăn khi đầu tư vào Nhật Bản.
Theo ông, doanh nghiệp Việt gặp những thách thức không hề mới khi đầu tư tại đây như: khoảng cách về tiêu chuẩn, chất lượng; trình độ tiếng Nhật của nhân sự thấp; chi phí xúc tiến thương mại, nghiên cứu thị trường cao; chu kỳ bán hàng kéo dài (1-2 năm), thiếu thông tin, kinh nghiệm…
Ông Vinh cũng chia sẻ về ba thế mạnh của Việt Nam, tuy nhiên nếu không thật sự tận dụng được thì không giải quyết được vấn đề. Một là lợi thế về chi phí cạnh tranh. Tuy vậy, lợi thế này không dài hạn, chi phí ngày càng tăng lên. Hai là lợi thế nguồn nhân lực trẻ, dồi dào, có nền tảng tốt nhưng lại chưa chuyên nghiệp, làm việc theo quy trình lỏng lẻo, tính tuân thủ thấp. Ba là lợi thế tương đồng về văn hoá nhưng nhân sự lại thiếu khả năng giao tiếp và không chủ động làm rõ yêu cầu.
Để giải quyết những vấn đề này, theo ông Vinh, các yếu tố tiên quyết mà doanh nghiệp Việt cần lưu ý là phải có chiến lược dài hạn, đầu tư bài bản về nguồn lực và trên hết, không bao giờ quên rằng, đối với thị trường Nhật Bản, chất lượng luôn phải đặt lên hàng đầu.
Cùng chung quan điểm, ông Nguyễn Xuân Huy, Giám đốc Công ty TNHH cơ khí chính xác, dịch vụ và thương mại Việt Nam (VPMS) – một công ty “siêu nhỏ” với số vốn đầu tư khoảng 10 tỷ VNĐ chia sẻ kinh nghiệm thực tế, công ty đã phát triển rất “nóng” khi làm ăn với doanh nghiệp Nhật Bản.
“DN Nhật Bản vô cùng khó tính”, ông Huy khẳng định. Sai lầm của DN Việt Nam là có thói quen tự mình giải quyết các vấn đề phát sinh, nhiều khi đơn hàng có khả năng chậm cũng không báo lại với đối tác. “Do đó, các DN muốn hợp tác được với đối tác Nhật Bản cần phải thiết lập cơ chế HO-REN-SO (báo cáo, liên lạc, bàn thảo) để trao đổi và nắm bắt được toàn bộ thông tin về sản phẩm cũng như nhu cầu của khách hàng…”, ông Huy nói.
Để có được đơn hàng với DN Nhật, VPMS đã thường xuyên tổ chức các khóa đào tạo kỹ thuật cho nhân viên. Đặc biệt là các khóa đào tạo này do chính chuyên gia của khách hàng phái cử và điều này giúp nâng cao trình độ nhân viên về kỹ thuật, kiểm soát quy trình, qua đó tăng năng suất và giảm giá thành. Ông Huy cũng nhấn mạnh, “không bao giờ được xuề xoà, dễ dãi trong quản lý chất lượng sản phẩm”.
Khi kinh doanh thành công tại Nhật Bản, cũng có nghĩa là DN Việt và các tổ chức xúc tiến liên quan đã làm tốt vai trò của mình như “thêm một chiếc bánh trong hai bánh xe của cỗ xe hợp tác kinh tế giữa hai “đối tác vàng” Việt – Nhật, thúc đẩy hợp tác trong môi trường TPP và các hiệp định thương mại thế hệ mới của tương lai”, ông Katsuro Nagai, Công sứ phụ trách kinh tế Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam nói.
Nguyễn Văn Hiển | kyodai.com.vn | cokhichinhxac.top | precisionmachining.top
Trả lời